Vụ ngộ độc pa tê Minh Chay

Từ ngày 13 tháng 7 đến 18 tháng 8 năm 2020, tại các tỉnh thành trên Việt Nam đã xuất hiện rải rác những ca bệnh phải nhập viện và thở máy với các triệu chứng của ngộ độc thịt. Sau khi khai thác bệnh sử và phát hiện ra rằng bệnh nhân đều từng ăn pa tê Minh Chay do công ty Lối Sống Mới sản xuất trước khi ngộ độc, các bệnh viện tuyến trung ương đã bắt đầu báo cáo trường hợp với Cục An toàn Thực phẩm Việt Nam, trước khi Cục chính thức phát đi cảnh báo chính thức về vụ việc vào ngày 29 tháng 8 năm 2020.Được nhận định là một vụ ngộ độc nghiêm trọng, với quy mô diễn ra trên cả nước, sau khi Cục An toàn Thực phẩm quốc gia thông báo, các bộ, ngành liên quan đến vụ việc đã liên tiếp ra các đợt thu hồi sản phẩm và cảnh cáo với người dân và người đã mua hàng. Dù vậy, nhiều trường hợp ngộ độc vẫn tiếp tục xảy ra ở những nơi khác nhau. WHO đã hỗ trợ cho Việt Nam tổng cộng 12 liều thuốc giải độc tố botulinum để dùng cho những trường hợp bệnh nặng. Cho đến cuối tháng 9 năm 2020, có tổng cộng 17 bệnh nhân bị điều trị tại bệnh viện trong tình trạng nặng và nhiều người bị ngộ độc nhẹ khác. Một bệnh nhân nam sau đó đã tử vong.Được coi là vụ ngộ độc thịt đầu tiên ghi nhận ở Việt Nam, vụ việc đã làm dấy lên câu hỏi về lỗ hổng, bất cập trong công tác quản lý chất lượng, kiểm nghiệm thực phẩm dẫn đến bỏ lọt các sản phẩm kém chất lượng đến tay người tiêu dùng, trong bối cảnh tình trạng về an toàn vệ sinh thực phẩm trong nước tiến đến khủng hoảng. Sự việc đã thu hút sự quan tâm từ cả chính quyền, người tiêu dùng và truyền thông. Trách nhiệm và cách xử lý của ba bộ quản lý công ty cũng gây nên những ý kiến trái chiều xen lẫn chỉ trích. Hậu sự việc, cơ sở sản xuất sản phẩm pa tê Minh Chay đã bị phạt hành chính 17,5 triệu đồng và hồ sơ điều tra được gửi cho phía công an. Vụ việc về sau đã trở thành chủ đề nghiên cứu của nhiều bài báo khoa học đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế và Việt Nam.